Bài 2: Hướng Dẫn Cách Đặt Tên Miền Để Phát Triển 1 Website

Trước khi bắt đầu đi vào phát triển 1 website, việc đầu tiên nhất (cũng là quan trọng nhất) bạn cần làm đó là phải đặt tên domain cho website đó sao cho hay và phù hợp với tiêu chí phát triển lâu dài. Việc này cũng giống như bạn chọn mua đất để xây 1 ngôi nhà cho riêng mình vậy. Chọn không tốt sẽ khiến bạn hối hận sau này. Vì vậy nên trong bài này, mình sẽ hướng dẫn bạn cách đặt tên miền để phát triển 1 website/blog.

Tên Miền là gì?

Domain (tên miền) là địa chỉ trên internet dẫn trực tiếp đến website, blog của bạn. Ví dụ tên miền của mình là anhthienad.com. Khi bạn nhập địa chỉ này lên bất kỳ trình duyệt nào cũng sẽ đều dẫn đến trang chủ của blog mình. Đơn giản và dễ hiểu đúng không nào?

Tuy nhiên, đến đây sẽ xuất hiện thêm 1 khái niệm, đó là đuôi domain.

Đuôi Tên Miền là gì?

Đuôi domain là phần mở rộng sau tên miền của bạn, được phân cách bằng dấu “.“. Ví dụ trong tên miền anhthienad.com, phần mở rộng .com chính là đuôi domain. Đuôi domain cũng là 1 tiêu chí đầu tiên nhất để đánh giá sự chuyên nghiệp cũng như mức độ đầu tư của bạn dành cho website.

Các loại đuôi Tên Miền thường gặp

Đuôi domain dạng .com

Đây là dạng đuôi domain phổ biến nhấtchuyên nghiệp nhất và được sử dụng nhiều nhất trên internet hiện nay. Chính vì vậy, bạn hãy luôn ưu tiên chọn đuôi domain .comcho trang web của mình.

Đuôi domain dạng .net, .org

Đây là 2 dạng đuôi domain phổ biến chỉ sau dạng .com. Thông thường, đây sẽ là sự lựa chọn “dự bị” nếu như bạn đã “quá yêu” tên domain nghĩ ra nhưng đuôi .com lại bị người khác mua mất.

Đuôi domain dạng .io

Đây là dạng đuôi domain cao cấp và có giá khá đắt, thường được dùng cho các trang web startup về công nghệ.

Đuôi domain dạng .vn, .com.vn

Nếu bạn phát triển 1 trang web Tiếng Việt và chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam thì có thể chọn đuôi domain dạng này. Tuy nhiên thủ tục mua khá rắc rối và giá cũng đắt hơn so với đuôi .com hay .net nên mình khuyên bạn không nên chọn dạng này khi không thực sự cần thiết.

Đuôi domain dạng .edu.vn

Là dạng đuôi domain dành cho giáo dục. Nếu website của bạn làm về chủ đề này thì có thể chọn đuôi .edu.vn.

Các dạng đuôi domain khác

Còn rất nhiều dạng đuôi domain khác như: .store, .life, .group, .shop, .today, …. Tuy nhiên, đây đều là những dạng đuôi trông rất “lạ” và không phổ biếnkhông được đánh giá cao và không phù hợp với sự phát triển lâu dài của website.

Khuyến nghị của mình

Dưới đây là 1 số lời khuyên của mình dành cho bạn khi chọn đuôi domain cho Website:

  • Nếu website của bạn không làm gì liên quan đến giáo dục, hãy luôn ưu tiên đuôi .com
  • Nếu đuôi .com bị mua mất, có thể cân nhắc chọn đuôi .net hoặc .org để thay thế hoặc nghĩ ra luôn 1 tên domain khác.
  • Nếu bạn làm website về công nghệ hoặc cung cấp dịch vụ về công nghệ và có điều kiện về kinh tế, hãy chọn đuôi .io cho chuyên nghiệp.
  • Tránh xa các dạng đuôi domain khác hoặc đuôi miễn phí vì nó sẽ khiến cho “đứa con tinh thần” của bạn trông rất “lạ” và thiếu chuyên nghiệp.

Có thể mua tên miền ở đâu?

Hiện nay, có rất nhiều nhà cung cấp domain với “vô số” sự lựa chọn cho bạn. Tuy nhiên, nếu bạn là người mới thì sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm được nhà cung cấp uy tín với giá cả phải chăng.

Mình khuyên bạn chỉ nên lựa chọn các nhà cung cấp mà mình nêu ra dưới đây. Sau này, khi bạn đã quen và có nhiều kiến thức thì có thể tìm hiểu và sử dụng thêm dịch vụ của nhà cung cấp khác.

Nhà cung cấp tên miền mình khuyên bạn nên sử dụng:

Mình không khuyến khích bạn mua tên miền của những nhà cung cấp Việt Nam vì bị rào cản bởi việc hoàn thành các thủ tục rườm rà khi đăng kí mua tên miền. Về phần cách làm như thế nào để mua được tên miền chất lượng với giá rẻ nhất thì mình sẽ hướng dẫn bạn chi tiết trong những bài sau.

Các dạng tên Miền thường gặp

Tên miền cũng chính là từ khóa tìm kiếm

Tên domain kiểu này thường có dạng như muabantivigiare.com, muabandienthoaigiare.com. Nếu như là 4-5 năm trở về trước, tên domain dạng này được áp dụng rất phổ biến vì lúc đó, việc từ khóa tìm kiếm nằm trong tên domain có ảnh hưởng trực tiếp đến SEO. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, điều này đã KHÔNG CÒN ĐÚNG NỮA bởi vì Google càng ngày càng tối ưu thuật toán để đảm bảo trải nghiệm người dùng phải được ưu tiên hàng đầu, tập trung vào nội dung của trang web nên những kiểu “thủ thuật” như này đã không còn tác dụng, thậm chí là phản tác dụng.

Ngoài ra, việc đặt tên domain theo dạng này, bạn sẽ tự hạn chế đi tiềm năng phát triển của trang web sau này. Ví dụ với tên miền muabantivigiare.com, sau này nếu bạn muốn bán thêm các sản phẩm như máy giặt, tủ lạnh, máy lạnh, … thì tên miền này đã không còn phù hợp nữa. Vì vậy, lời khuyên của mình là đừng đặt tên miền theo kiểu này.

Tên miền chứa 1 phần từ khóa tìm kiếm

Dienmayxanh.com hay thegioididong.com là những ví dụ điển hình cho tên domain dạng này. Với từ khóa dạng fat head: “điện máy” và “di động”, bạn sẽ có 1 thị trường ngách đủ rộng cho sự phát triển lâu dài của trang web. Bạn có thể chọn đặt tên domain theo kiểu này, tuy nhiên đây không phải là lựa chọn mình khuyến nghị hàng đầu.

Tên miền mang thương hiệu cá nhân

Ví dụ cho tên domain dạng này như: thachpham.com, lamnguyenz.com, ninhdon.com hay blog của mình là anhthienad.com. Đây là dạng domain dùng để xây dựng thương hiệu cá nhân rất tốt vì nó sẽ giúp bạn không thể bị nhầm lẫn với ai được và rất phù hợp cho sự phát triển lâu dài trong lĩnh vực mà bạn chọn.

Tên miền dạng thương hiệu business

Có rất nhiều domain dạng thương hiệu business nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới như: kinhdo.vn, tiki.vn, lazada.vn, amazon.com, apple.com. Đặc điểm của domain dạng này đó là tên miền chẳng liên quan gì đến sản phẩm mà họ kinh doanh hoặc là hoàn toàn vô nghĩa:

  • Lazada là 1 từ hoàn toàn không mang 1 ý nghĩa gì nhưng khi nhắc đến nó, người ta biết ngay nó là trang bán hàng điện tử hàng đầu Đông Nam Á.
  • Kinh Đô là danh từ chỉ nơi ở của vua chúa nhưng lại được dùng để đặt cho tên của nhãn hiệu bánh trung thu nổi tiếng nhất Việt Nam.
  • Apple là 1 công ty công nghệ tầm cỡ trên Thế Giới nhưng lại mang tên của 1 loại trái cây với logo là quả táo cắn dở “huyền thoại”.
  • Amazon là trang bán hàng điện tử lớn nhất Thế Giới nhưng lại mang tên 1 dòng sông nổi tiếng ở Nam Mỹ.

Bạn có thể thấy những trang web này, thứ mà họ kinh doanh chẳng hề liên quan đến tên mà họ đặt cho thương hiệu nhưng lại rất DỄ NHỚ và DỄ ĐI SÂU VÀO TIỀM THỨC của con người. Chính vì vậy, nó mang đến tiềm năng phát triển cực kỳ lớn cho trang web.

Tiêu chí để lựa chọn tên Miền cho phù hợp

Có 4 tiêu chí mà bạn cần lưu ý để chọn được tên domain phù hợp:

Chỉ lựa chọn tên miền mang thương hiệu cá nhân hoặc dạng thương hiệu business

Hãy chọn tên miền dạng thương hiệu business khi trang web của bạn là 1 công ty, do 1 team từ 2-3 người trở lên phát triển để kinh doanh các sản phẩm vật lý hoặc sản phẩm số.

Chọn tên miền dạng thương hiệu cá nhân khi bạn là chủ sở hữu duy nhất của website bạn, và bạn muốn xây dựng 1 thương hiệu riêng cho mình. Với tên domain dạng này, bạn có thể bán các sản phẩm do chính bạn tạo ra hoặc nếu bạn làm affiliate marketing ở 1 ngách nào đó thì tên này cực kỳ phù hợp vì nó tạo sự tín nhiệm của độc giả.

Luôn ưu tiên đuôi miền dạng .com (đã phân tích ở trên)

Tên miền càng ngắn gọn, dễ nhớ càng tốt

Mình có 1 mẹo muốn chia sẻ cho bạn. Mẹo này áp dụng cho tên domain dạng thương hiệu business. Đó là hãy đặt tên domain có chứa các chữ: “i“, “a“, “e” và “o“. Vì sao vậy? Đơn giản vì đây là những âm tiết rất dễ đi sâu vào tiềm thức của con người, thường họ sẽ nhớ ngay lần đầu đọc được. Ví dụ:

  • Apple.com: có 1 chữ “a” và 1 chữ “o”
  • Amazon.com: có 2 chữ “a” và 1 chữ “o”
  • Tiki.com: có 2 chữ “i”
  • Lazada.com: có 2 chữ “a”

Thú vị phải không nào? Bạn có thể tìm thêm những tên thương hiệu nổi tiếng khác và sẽ thấy họ đều áp dụng theo cách này để đặt.

Mua Tên Miền càng sớm càng tốt

Một khi bạn đã chọn được 1 tên miền ưng ý, hãy kiểm tra nó ngay. Nếu chưa có ai mua nó thì hãy mua nó ngay và luôn vì nếu bạn chần chừ, rất có thể sẽ bị người khác mua mất và bạn sẽ phải chọn mua 1 miền khác không được ưng ý như lúc đầu.

Về cách kiểm tra, bạn có thể lên thẳng trang chủ của namesilo hoặc namecheap để gõ tên miền và search thử. Trang web sẽ trả về kết quả cho bạn ngay lập tức và bạn sẽ biết được mình có thể mua domain đó được hay không.

Sau này, nếu trang web của bạn đã phát triển và được nhiều người biết đến, bạn có thể mua luôn các tên miền .net, .org cùng tên để bảo hộ thương hiệu cho mình.

Kết luận

Ở bài viết này, mình đã cung cấp cho bạn 1 số kiến thức cần thiết, những điều cần tránh cũng như cách để có thể lựa chọn 1 tên miền phù hợp với mục đích phát triển Website/blog của bạn. Ngay bây giờ, bạn hãy ghi ra tất cả những tên miền mà bạn có thể nghĩ ra và hãy kiểm tra xem có ai mua chưa nhé.

Chúc bạn lựa chọn được tên domain ưng ý nhất và hãy nghỉ ngơi 15 phút để bước vào bài kế tiếp nhé!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x